Quảng cáo

Lò đào tạo La Masia của Barcelona hồi sinh: Sự trở lại của một đế chế

Quân Persie Quân Persie
Thứ năm, 17/08/2023 15:53 PM (GMT+7)
A A+

Barcelona nổi tiếng với Lò La Masia - nơi từng sản sinh ra hàng loạt tài năng nổi tiếng như Messi, Xavi, Iniesta, Fabregas... và vẫn đang tiếp tục cho ra lò những ngôi sao trẻ ưu tú hàng đầu châu Âu.

Lò La Masia tên đầy đủ là La Masia de Can Planes, là trung tâm đào tạo trứ danh của CLB Barcelona. Được thành lập vào năm 1979 bởi ý tưởng của thánh Johan Cruyff dựa trên mô hình của học viện bóng đá trẻ Ajax, La Masia đã cho ra lò hàng loạt cái tên từng làm mưa làm gió làng túc cầu thế giới.

Trong đó phải kể tới "thế hệ vàng" với những Lionel Messi, Xavi, Iniesta, Pique, Fabregas... Chính những cầu thủ trưởng thành từ học viện CLB này đã đóng góp quan trọng vào giai đoạn thành công của Barcelona vào những năm cuối thập niên 2000 và 2010.

Triết lý La Masia

Tại La Masia, những cậu bé không chỉ được dạy chơi bóng mà còn được ăn, học cách làm người như bao đứa trẻ bên ngoài. Tôn chỉ của Barca rất rõ ràng “Hơn cả một CLB”. Đội bóng muốn đào tạo ra những con người xuất sắc cũng như những cầu thủ tuyệt vời.

Giáo dục đạo đức luôn được đặt lên hàng đầu. Cầu thủ sẽ được dạy tôn trọng người khác, kể cả đối thủ. Điều đó có thể chưa giúp các cậu bé thành cầu thủ chuyên nghiệp, nhưng ít nhất chúng cũng sẽ là những nhân cách tốt nếu sau này không còn chơi bóng.

la-masia-boys-1692202660.jpg
Ở La Masia, các học viên trẻ được giáo dục cả về bóng đá lẫn văn hóa để phòng trường hợp không thể thành cầu thủ chuyên nghiệp (ảnh: FC Barcelona)

Ngoài ra, tinh thần tập thể cũng cực kỳ được đề cao. Điều này thể hiện trực tiếp qua lối chơi tiqui-taca của Barca. Các cầu thủ phải biết cách phối hợp nhóm, hiểu cách di chuyển của nhau trên sân. Khi khó khăn, cả đội cũng phải biết nương tựa lẫn nhau và giúp đỡ nhau vượt qua.

Thời kỳ vàng của La Masia

Nhắc đến thời kỳ hưng thịnh nhất của La Masia chỉ có thể là kỷ nguyên của Pep Guardiola. Bản thân ông cũng là một người con của Catalan và trưởng thành từ học viện của CLB.

Khi lên nằm chức HLV trưởng đội 1 Barca vào mùa giải 2008/09, Pep đã thẳng tay loại Ronaldinho để trao vai trò chủ công cho Messi, sản phẩm ưu tú nhất mà La Masia từng sản sinh ra khi đó mới 21 tuổi.

barca-2009-1692203098.jpg
7 cầu thủ tốt nghiệp lò La Masia đá chính cho Barcelona ở trận chung kết Champions League 2009 (ảnh: Getty)

Những trụ cột khi đó có các đàn anh là Puyol, Xavi, Iniesta trong khi lứa trẻ hơn gồm Messi, Pique, Busquets đã cùng nhau đưa Barca tới cú ăn 6 huyền thoại năm 2009. Sau này đội bóng có thêm Jordi Alba, Cesc Fabregas, Pedro, Thiago, Bojan Krkic. Tất cả đều từng ăn tập tại La Masia, có người từng rời Barca nhưng sau này vẫn trở lại cống hiến cho CLB.

Trong giai đoạn 2009-2015, Barca thực sự đã thống trị La Liga với 5/7 chức vô địch, đồng thời trở thành một thế lực ở đấu trường châu Âu với các chức vô địch năm 2009, 2011 và đỉnh cao là cú ăn 3 năm 2015. Nhưng đó cũng là thời điểm mà bắt đầu lụi tàn.

Sự thoái trào của La Masia

Sau thế hệ của những Messi, Xavi, Iniesta, Pique, Busquets, có lẽ chỉ có Thiago là có thể vươn tầm siêu sao, nhưng anh chỉ đạt được điều đó khi rời CLB để chuyển sang Bayern Munich năm 2013.

Những bạn đồng môn cùng lứa của Thiago khi đó như Bojan, Tello, Cuenca, Rafinha hay những sao mai như Martin Montoya, Sandro Ramirez, Munir, Halilovic, Samper sau này đều không phát triển đủ tốt để trở thành những Xavi, Iniesta hay Pique mới của Barca.

andres-iniesta-xavi-hernandez-1-1692203509.jpg
Barca từng rất vất vả những vẫn không thể đào tạo ra những Xavi hay Iniesta mới chứ chưa nói tới Messi mới (ảnh: Getty)

Barca dưới thời chủ tịch Bartomeu giai đoạn 2014-2020 cũng thay đổi chính sách dùng người khi thường xuyên vung tiền chiêu mộ ngôi sao từ bên ngoài như Coutinho, Dembele, Griezmann,.. Điều đó càng khiến cho các cầu thủ từ La Masia có ít cơ hội được thể hiện ở đội 1 và buộc phải ra đi như Xavi Simons, Andre Onana, Alex Grimaldo hay Takefusa Kubo...

Hồi sinh và tương lai của La Masia

Vào năm 2021, chủ tịch Joan Laporta tái đắc cử và ông đã nhấn mạnh việc đưa La Masia trở lại làm xương sống của Barca. Thực vậy, Barca của mùa giải 2021/22 dưới thời HLV Ronald Koeman đã chứng kiến hàng loạt tài năng trẻ do CLB tự đào tạo được sử dụng thường xuyên.

Nổi bật là những ngôi sao như Ansu Fati, Gavi, Oscar Mingueza. Có thể tính cả Pedri vào trong số này dù anh không xuất thân từ La Masia nhưng được CLB mua về năm 17 tuổi và sau 2 năm thi đấu đã được tính vào diện "cây nhà lá vườn".

Từ đó cho đến nay, Barca vẫn duy trì việc trao cơ hội cho các măng non và đã trình làng thêm nhiều cái tên sáng giá như Alejandro Balde, Abde Ezzalzouli, Fermin Lopez hay Lamine Yamal .

barca-2023-1692203688.jpg
Barca đang dần trở lại với triết lý lấy La Masia làm nòng cốt khi tin dùng những cầu thủ cây nhà lá vườn như Pedri, Gavi, Fati hay Araujo (ảnh: Barca Universal)

Dẫu vậy, CLB cũng duy trì sự cân bằng khi đem về các ngôi sao từ bên ngoài như Lewandowski, De Jong, Gundogan hay Kounde... Họ ở Camp Nou là để dẫn dắt những thế hệ mới của Barca lớn lên như cách mà Messi từng được học hỏi từ những Ronaldinho, Henry hay Eto"o.

Trong một thị trường ngày càng phức tạp và lạm phát, với giá cầu thủ tăng chóng mặt và sự cạnh tranh từ các CLB giàu có là rất lớn, việc Barca trở lại tập trung phát triển những cầu thủ "cây nhà lá vườn" sẽ là một nước đi khôn ngoan.

Bởi lẽ việc ký hợp đồng với những cầu thủ đắt giá vẫn sẽ có rủi ro trong khi Barca gần đây không hề dư dả. Lúc này Lò La Masia sẽ là nguồn sống của họ, hệt như 20 năm về trước khi CLB chẳng phải tốn đồng nào để sở hữu những Messi, Xavi hay Iniesta.

Dẫu vậy, đây chắc chắn là một con đường mạo hiểm, đòi hỏi rất nhiều kiên nhẫn và không tránh khỏi những thất bại có thể xảy ra. Không có gì đảm bảo rằng Barca sẽ đào tạo ra một "Messi mới" nhưng có lẽ đây là giải pháp tốt nhất để đem lại sự bền vững cả về mặt thể thao lẫn tài chính cho CLB.

Tuyển tập bàn thắng của Leo Messi ở lò La Masia - Barcelona (nguồn: One Football)
Quảng cáo
Xem thêm